6 cách bảo mật dữ liệu trên thiết bị Android trước những lo ngại về tấn công mạng
Bảo mật thiết bị di động của bạn là một bước khởi đầu tốt để xây dựng “hàng rào” an ninh mạng. Dưới đây là 6 cách bảo mật dữ liệu trên thiết bị Android mà bạn có thể thực hiện để chủ động “tự” bảo vệ dữ liệu điện thoại!
Đã hơn một tuần kể từ khi Nga xâm lược Ukraine và những lo lắng về an ninh mạng vẫn tiếp tục gia tăng. Ngay cả trước cuộc xâm lược, các quan chức Mỹ đã đổ lỗi cho Nga về các cuộc tấn công mạng nhằm vào một số trang web của Ukraine, bao gồm Bộ Quốc phòng Ukraine và hai ngân hàng lớn khác.
Trong khi Cơ quan An ninh mạng và Cơ sở hạ tầng Hoa Kỳ (CISA) cho biết không có mối đe dọa mạng cụ thể hoặc đáng tin cậy nào chống lại Hoa Kỳ, mặc dù cơ quan này cũng cho biết các cuộc tấn công mạng tiềm năng có nhiều khả năng nhắm vào cơ sở hạ tầng. CISA vẫn khuyến nghị mọi người nên chuẩn bị sẵn sàng cho mọi trường hợp.
Đảm bảo hệ điều hành của bạn được cập nhật
Việc cập nhật hệ điều hành có thể vá các lỗ hổng bảo mật và sửa các lỗi đã biết trong hệ điều hành. Việc không cập nhật hệ điều hành của bạn lên phiên bản mới nhất sẽ khiến bạn và thiết bị có thể gặp phải những sai sót. Từ đây có thể khiến dữ liệu của bạn tiếp xúc với các tác nhân độc hại. Một số người có thể “ngại” cập nhật hệ điều hành vì không muốn có sự phát sinh các lỗi xung đột trong hệ thống hiện tại hoặc tiết kiệm thời gian. Thế nhưng chờ đợi quá lâu có thể gây hại cho cả hệ thống của bạn.
Bật tính năng xác thực hai yếu tố
Xác thực hai yếu tố (viết tắt tiếng Anh là 2FA) có nghĩa thêm lớp bảo mật thứ hai vào tài khoản Android của bạn trong trường hợp mật khẩu của bạn bị đánh cắp. Với 2FA, sau khi bạn nhập mật khẩu của mình, một thông báo thứ hai sẽ được gửi đến một thiết bị khác yêu cầu xác minh rằng bạn đang cố gắng đăng nhập. Nó sẽ làm tăng thêm một chút thời gian cho quá trình đăng nhập của bạn nhưng lớp bảo mật bổ sung này lại rất đáng để thiết lập.
Sử dụng ứng dụng quản lý mật khẩu
Nếu bạn gặp khó khăn khi ghi nhớ nhiều mật khẩu và tìm ra mật khẩu duy nhất cho mọi tài khoản thì ứng dụng quản lý mật khẩu có thể trợ giúp bạn. Các ứng dụng này có thể hoạt động song song với 2FA và có thể lưu trữ mật khẩu một cách an toàn và tự động điền vào các trang đăng nhập. Ứng dụng quản lý mật khẩu cũng có thể bảo vệ bạn chống lại các âm mưu xấu khi “lỡ” truy cập vào một trang web lừa đảo. Gợi ý rằng các trình quản lý mật khẩu phổ biến hiện nay được nhiều người tin dùng là Bitwarden, LastPass và 1Password.
Thực hiện “mã hóa” Android của bạn
Bắt đầu từ năm 2015, Google đã yêu cầu các nhà sản xuất làm cho các thiết bị Android có thể mã hóa được. Sau khi thiết bị của bạn được mã hóa, tất cả dữ liệu được lưu trữ trên thiết bị sẽ bị khóa bằng mã PIN, vân tay, hình mở khóa hoặc mật khẩu mà chỉ “duy nhất” chủ sở hữu biết. Nếu không có “chìa khóa” đặc biệt đó, ngay cả Google cũng không thể mở khóa thiết bị của bạn.
Xóa dữ liệu của bạn khỏi Google
Android là sản phẩm của Google, vì vậy dữ liệu thiết bị không được mã hóa có thể được lưu trữ trên máy chủ của Google. Bạn có thể kiểm tra với Google để xem dữ liệu của bạn và bạn có thể yêu cầu Google xóa dữ liệu đó. Quá trình này có thể mất thời gian, nhưng nó lại đáng để thực hiện vì cơ bản dữ liệu của bạn không thể bị đánh cắp nếu nó “không tồn tại” trong hệ thống mạng internet. Nhưng lưu ý rằng Google không đảm bảo rằng Google sẽ hoàn thành đúng theo toàn yêu cầu của người dùng.
“Xóa” dữ liệu điện thoại từ xa
Nếu bạn bị mất điện thoại hoặc bị đánh cắp, bạn có thể xóa điện thoại của mình từ xa. Bạn có thể tham khảo cách cài đặt để có thể chủ động “Xóa” dữ liệu điện thoại từ xa. Thao tác này sẽ xóa tất cả dữ liệu khỏi điện thoại của bạn. Vì vậy nếu bạn có bất kỳ dữ liệu gì “quan trọng” muốn giữ lại, thì nên có thói quen sao lưu (backup) điện thoại của mình trên một thiết bị riêng biệt.
Trên đây là 6 cách bảo mật dữ liệu trên thiết bị Android phổ biến, hữu hiệu và dễ thực hiện nhất. thực tế cho dù không có cuộc tấn công mạng của Nga, thì bạn vẫn nên tìm cách tự bảo vệ thông tin cá nhân quan trọng.
Nguồn: CNET